Chửa trâu là " những người mang thai lâu quá thời gian chín tháng mười ngày ". Muốn cho người đàn bà đẻ mau chóng thì dùng phương thuật : sai người vào chuồng trâu dắt trâu ra ngoài, lấy dao cắt đứt sợi giây xỏ mũi trâu.
Cái tên chửa trâu cần phải được xét lại. Hãy khoan nói chuyện trâu chửa. Thử hỏi nơi thôn quê đã có ai biết được chính xác ngày vợ mình thụ thai chưa ? Đã có ai ghi chép thời gian đàn bà thai nghén chưa ? Dân quê ngày xưa, và cả dân tỉnh ngày nay, không có ai ăn không ngồi rồi đi so sánh thời gian chửa của người và của trâu. Thực tế thì khi người đàn bà có dấu hiệu chuyển bụng đẻ người ta mới dọn dẹp chỗ nằm, mời bà đỡ... Người ta chỉ thấy trước mắt người đàn bà đang đau đẻ, đẻ khó. Nôm na gọi là đẻ lâu, hay gọi sai là chửa lâu. Chửa lâu đã bị nhầm thành chửa trâu.
Sở dĩ có nhầm lẫn chửa lâu với chửa trâu cũng chỉ vì các ông đồ. Xét về mặt chữ nghĩa thánh hiền thì lâu có dính dáng đến trâu.
Chữ lâu ( đẻ lâu) của tiếng Việt đồng âm với chữ lâu (bộ Nữ) của chữ Hán,nghĩa là buộc trâu (Thiều Chửu). Muốn đẻ nhanh thì phải trừ bỏ cái (đẻ) lâu kia đi. Muốn trừ bỏ cái lâu (buộc trâu) thì chỉ cần cắt đứt sợi giây thừng xỏ mũi trâu là xong!
Phương thuật Chửa trâu cắt thừng chỉ là mê tín dị đoan, không có tính chất khoa học. Vô thưởng vô phạt. Không ảnh hưởng gì đến sinh mạng của người mẹ và đứa bé.