Lê Văn Miến - người thầy đầu tiên của Nguyễn Tất Thành
Mỗi người đều là chuyên gia trong lịnh vực bạn đam mê ! Đăng ký và cùng chia sẻ kiến thức nào
89,337 views
2 votes
2 votes

Cụ Lê Văn Miến (còn gọi là Lê Huy Miến) sinh năm Giáp Tuất (1874) tại làng Ông La, xã Kim Khê (nay là xã Nghi Long), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một dòng họ - gia đình khoa bảng, ở một vùng đất "địa linh nhân kiệt" nên từ rất sớm Lê Văn Miến đã được tiếp xúc và làm quen với học vấn và sách vở, cũng như thấm nhuần truyền thống bất khuất của quê hương.

Đây cũng là thời kỳ thực dân Pháp đã bình định xong nước ta và thực hiện chính sách dùng người An Nam trị người An Nam. Vì thế đã tuyển chọn một số thanh niên sang học Trường thuộc địa (école Coloniale) ở Paris nhằm đào tạo những quan chức cao cấp trung thành với nhà nước bảo hộ. Ba người được chọn trong khóa học năm 1888 là Hoàng Trọng Phu, Thân Trọng Huề và Lê Huy Thản - anh trai của Lê Văn Miến. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà Lê Huy Thản nhất định không chịu đi, nên Lê Văn Miến đi thay mặc dù lúc này anh mới 14 tuổi, phải khai tăng thêm 2 tuổi mới đủ 16 tuổi để được hợp thức. Năm 1892 Sau khi tốt nghiệp Trường Thuộc địa, Lê Văn Miến không chịu về nước làm quan mà ở lại xin theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris - một trường Mỹ thuật danh giá của châu Âu thời đó.

Ông theo học đến nơi đến chốn tất cả các môn: sơn dầu, phấn màu, bút chì, kiến trúc, điêu khắc…với tâm niệm: “Không học thì thôi, đã học thì phải cố gắng học cho thiên hạ biết. Dù trong lĩnh vực nào - nhất là về học vấn - nếu muốn, thì người Việt Nam cũng không chịu thua kém một ai cả…”. Chính nhờ sự quyết tâm đó mà Lê Văn Miến đạt thành tích rất cao trong học tập và tốt nghiệp với thành tích xuất sắc.

Sau 7 năm du học ở Paris, năm 1895, Lê Văn Miến trở về nước với hai tấm bằng rất có giá trong tay: Bằng tốt nghiệp trường Thuộc địa và Bằng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris, con đường quan lộ mở rộng trước mắt với quyền cao chức trọng, bỗng lộc hấp dẫn. Thế nhưng với tấm lòng của một trí thức trăn trở với vận mệnh đất nước, ông đã chọn con đường nghệ thuật hội họa và giáo dục để thực hiện hoài bão mở mang dân trí.

Năm1899, trường Pháp - Việt ở Vinh được thành lập, thầy giáo Lê Văn Miến được cử làm Đốc giáo (Hiệu trưởng). Nhưng chỉ 3 năm sau, năm 1902, nhà văn hóa Đào Tấn - Tổng đốc Nghệ An được cử giữ chức Thượng thư Bộ Công và đã đưa Lê Văn Miến vào làm việc tại Bộ do mình phụ trách. Đây chính là dịp để Lê Văn Miến phát huy những kiến thức về hội họa, kiến trúc đã được học tại Pháp. Họa sỹ cung phủ Lê Văn Miến đã vẽ nhiều tranh và bản đồ trong nội phủ, trong ấy có cả những mẫu súng mà Thành Thái muốn đúc. Rất nhiều tác phẩm hội họa để đời của ông đã ra đời trong thời gian này như: Bình văn, chân dung vua Thành Thái, Đào Tấn… Trong đó bức tranh “Bình Văn” được coi là kiệt tác đầu tiên của nền hội họa Việt Nam hiện đại, hiện được trưng bày ở Bảo tàng Nỹ thuật VN, được chọn làm trang bìa của cuốn sách “100 họa sỹ Việt Nam thế kỷ XX”.

 
 

Sau khi âm mưu chuẩn bị đánh Pháp của Vua Thành Thái bị bại lộ, nhà vua bị quản thúc, Đào Tấn bị bức về hưu, năm 1904 Lê Văn Miến bị đẩy ra Nghệ An giữ chức Đốc giáo lần thứ hai (1904 - 1907). Từ năm 1907 đến 1913 ông được điều về Trường Quốc học Huế dạy Pháp văn và vẽ. Năm 1913 Trường Hậu Bổ được thiết lập, Lê Văn Miến được cử làm "Trợ giáo", đồng thời được thăng hàm "Hàn lâm viện Thị giảng", đến cuối năm 1914 được thăng chức Phó Đốc giáo và năm 1919 được làm Đốc giáo (Hiệu trưởng).

Năm 1921, Lê Văn Miến được cử giữ chức Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám và giữ chúc vụ này cho đến khi nghĩ hưu 1929. Hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, nhà giáo Lê Văn Miến đã góp phần không nhỏ đào tạo nên nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước như: Giáo sư Lê Thước. Lê Đình Thám, Lê Đình Dương, Trần Trọng Kim, Lê Văn Kỷ, Trần Đình Nam, Nguyễn Đình Chi, Phạm Phú Tiết, Nguyễn Đình Ngân, Hồ Đắc Khải, Nguyễn Huy Nhu, Võ Liêm Sơn…Đặc biệt là người học trò Nguyễn Tất Thành Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh sau này.

Năm 1907, khi thầy giáo Lê Văn Miến được điều từ Nghệ An vào dạy pháp văn và vẽ ở trường Quốc học Huế, cũng là thời gian hai anh em Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành thi đậu vào trường Quốc học. Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã đưa hai con đến gửi cho người bạn vong niên là thầy giáo Lê Văn Miến chăm sóc dạy dỗ để lên đường nhậm chức ở Bình Thuận. Sự kiện cảm động này đã được nhà văn Sơn Tùng tái hiện trong tiểu thuyết lịch sử “Búp Sen Xanh”:

“…Thầy Lê Văn Miến đứng dậy, cha con ông Nguyễn Sinh Huy cùng đứng lên. Thầy chắp tay trước ngực nói: Xin chúc mừng quan bác có một người con : Nguyễn Tất Thành - sẽ tất thành. Tôi sẽ có vinh dự được làm một người thầy của học trò Nguyễn Tất Thành.

Cảm tạ, - ông Phó bảng Huy đáp - xin cảm tạ đại huynh đã dành cho cha con tôi. Nguyễn Tất Thành giọng chân thành:

Thưa chú, cháu được nghe các bậc cha anh tỏ lời thán phục chú là một người tiết kiệm từng lời, từng chữ, không bao giờ nói thừa, viết thừa. Hôm nay, lần đầu tiên cháu được vinh dự hầu chuyện chú, cháu vô cùng cảm động. Thầy Miến đỡ lời, Cháu ơi! Nước mất mà không biết là bất trí, biết mà không chiến đấu cứu nước là bất trung, chiến đấu mà không quên mình vì nước là bất dũng. Chú là người đã phạm điều "tam bất" ấy thì phải tự biết xấu hổ với quốc dân lắm…”

Chính nhân cách, tài năng, tâm huyết của thầy giáo Lê Văn Miến đã ảnh hưởng không nhỏ đến các thế hệ học trò ở Quốc học Huế. Đặc biệt là người học trò xuất sắc Nguyễn Tất Thành, để không lâu sau đó, năm 1911 người học trò ấy mang bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và hoài bão lớn lao của người thầy giáo kinh yêu lên tàu đi về phía kẻ thù của dân tộc để tìm đường cứu nước.

Đúng như giáo sư Lê Thước hàm ơn người thầy của mình: “…Cụ Miến không chỉ dạy chữ, dạy bài học về lòng yêu nước, về nghĩa khí của một kẻ sĩ, mà cụ Miến còn là tấm gương cho bao thế hệ học trò trong việc hình thành nhân cách của họ..”.

Những năm cuối đời, Họa sỹ, thầy giáo Lê Văn Miến sống trong cảnh mù lòa và đã chọn một mảnh đất bên dòng sông Ô Lâu, huyện Phong Điền để an hưởng tuổi già trong sự chăm sóc của các thế hệ học trò của 3 trường Quốc học, Hậu Bổ và Quốc Tử giám Huế. Đặc biệt là người học trò Nguyễn Tất Đạt (anh trai của Bác Hồ) luôn ở bên cụ trong những ngày cuối đời và lo chu toàn đám tang cho người thầy kính yêu của mình.

Họa sỹ - nhà giáo Lê Văn Miến mất ngày 6/6/1943, cụ đã đi trước hai năm, không kịp chứng kiến người học trò xuất sắc của mình độc bản Tuyên Ngôn Độc Lập, khai sinh ra nước Việt nam Dân chủ Cộng Hòa như cụ hằng mong ước.

Sau khi cụ mất, các thế hệ học trò ở Huế đã vinh danh cụ qua bức hoành phi “Thế gian Sư”(Thầy của thiên hạ). Năm 2005 tên của cụ đã được UBND thành phố Huế đặt tên cho một con đường lớn ở phường Tây Lộc trong thành nội Huế và ngôi mộ cụ bên dòng sông Ô Lâu được công nhận là di tích văn hóa. Tuy muộn, nhưng đó là sự ghi nhận vinh danh của Đảng và nhá nước và nhân dân ta đối với nhân cách tài năng của Họa sỹ - nhà giáo lỗi lạc Lê Văn Miến, người thầy giáo kính yêu của Bác Hồ.

User Avatar
by Editor
3.1k points

Please log in or register to answer this question.

1 Answer

0 votes
0 votes

Lê Văn Miến ( Lê Huy Miến ) - Hoạ sỹ, nhà giáo lớn của hai thế kỷ

Họa sĩ Lê Văn Miến là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp trường Mỹ thuật Paris và cũng là người họa sĩ Việt Nam sử dụng chất liệu màu sơn dầu đầu tiên ở nước ta. Nhưng vì sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, bản thân không giải đáp được vấn đề vẽ cái gì và vẽ cho ai, cho nên họa sĩ vẫn bế tắc, không vẽ được gì nhiều. Họa sĩ chỉ vẽ chân dung cho một số người thân quen và một số rât ít ỏi tranh sinh hoạt của đời sống xã hội.

Chân dung Họa sĩ-thầy giáo Lê Văn Miến

Tác phẩm sơn dầu đầu tiên của họa sĩ đã được biết có lẽ là bức chân dung họa sĩ vẽ cho ông Nguyễn Văn Mại nhân ông nầy đi sứ sang Pháp năm 1894. Trong niên kỷ của mình, ông Nguyễn Văn Mại còn ghi: “Lúc ta đi Ba Lê, ông Lê Văn Miến là con thứ tư của thầy ta là Lê Kim Khê, người Nghệ An, cùng hai ông Thân Trọng Huề và Hoàng Trọng Phu, du học ở Pháp. Ông Lê Văn Hiến tinh về nghề vẽ gặp nhau mừng lắm. Ta có xin ông ta họa chân dung ta. Ông dùng một tấm vải tây và dầu vẽ cho ta một bức bán thân. Mỗi buổi sáng đến vẽ một giờ, ba buổi thì xong. Khi về nhà trình cho mẹ ta xem, mẹ ta nói rằng mặt mũi đề giống hệt ta” (Lô Giang tiểu sử, tr.88).

Sau nầy ngày về nước (1895), nhân về thăm nhà, cụ vẽ mấy tác phẩm:

Chân dung cụ Lê Văn Nghiêm – thân phụ họa sĩ (Đến nay vẫn còn giữ tại Nghi Long-Nghi Lộc-Nghệ Tĩnh)

Chân dung tổ phụ ông Hồ Liệu – một người đã cho gia đình họa sĩ mượn một số tiền mà lâu ngày gia đình không trả được. Họa sĩ vẽ chân dung nầy để trả nợ (Nay vẫn còn thờ ở gia đình con cháu ông Hồ Liệu ở Nghi Long)

-  Có lẽ cũng trong thời gian về thăm quê và ở lại với gia đình ba bốn tháng nầy họa sĩ đã vẽ Chân dung lương y Nguyễn Vinh Mâu – một sĩ phu yêu nước, đã từng chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho thân mẫu họa sĩ. Bức chân dung nầy hiện nay được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trong cuốn Lược sử Mỹ thuật Việt Nam, tác giả là họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh đã viết về bức tranh nầy như sau: “ Bức chân dung nhà nho Nguyễn Vinh Mâu cho thấy nghề nghiệp của ông Miến khá vững vàng. Họa sĩ đã biết kết hợp kỹ thuật Tây Âu với tinh thần dân tộc”.

- Sau năm 1908, Lê Văn Miến kết bạn vong niên với Đào Tấn. Vì mến tài năng lý luận và sáng tác kịch bản tuồng – và trọng tinh thần yêu nước sâu sắc của họ Đào, Lê Văn Miến đã vẽ cho Đào Tấn đến mấy bức chân dung. Bức thứ nhất vẽ bán thân, Đào Tấn đội khăn xếp mặc áo sa mỏng (hiện nay được in lại ở đầu tập Kỷ yếu về Đào Tấn do Ty Văn hóa Thông tin Nghĩa Bình xuất bản). Bức thứ hai là một chân dung khá đẹp: Vẻ mặt Đào Tấn vui, đầu búi tóc, chit khăn vành, mặc áo sa mỏng màu đen quần trắng, chân đi giày hạ. Bức chân dung nầy có lẽ được chụp lại và in trong cuốn Hoài niệm Việt Nam  (Souvenir d’Annam) của ông Baile.

- Vào những năm cuối thế kỷ 19, họa sĩ vào Huế vẽ chân dung cho cụ Nguyễn Khoa Luận (1897-1900), sau nầy là nhạc gia của họa sĩ. Bức chân dung nầy vẽ bằng chất liệu phẩm màu, 60x80, hiện còn được bảo quản hầu như còn mới nguyên tại chùa Ba La (Vỹ Dạ, Huế).

- Trong những năm 1902-1904, họa sĩ được Đào Tấn mời vào làm hành tẩu bộ Công. Đào Tấn đã tiến cử cụ vào Nội vẽ chân dung cho vua Thành Thái và kể chuyện văn minh văn hóa phương Tây cho vua Thành Thái nghe. Khi họa sĩ vẽ xong bức chân dung vua Thành Thái ngồi chơi hóng mát ở nhà Lương tạ (trước Phu Văn Lâu), Thành Thái thích thú mời họa sĩ ngồi ăn cơm với vua. Đây là một cử chỉ chưa từng có trong chốn cung đình.

- Ngoài các bức chân dung, Lê Văn Miến còn vẽ một số tranh miêu tả cảnh sinh hoạt xã hội. Năm 1970, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã mua được bức tranh màu dầu Buổi học chữ Nho xưa của Lê Văn Miến do một gia đình ở phố Khâm Thiên cất giữ. Phỏng đoán bức tranh được vẽ vào khoảng 1898-1905. Bức tranh miêu tả sáu cậu học sinh, khăn áo chỉnh tề, đang quây quần ngồi nghe một cụ đồ râu tóc bạc phơ, tay cầm sách giảng bài. Với bút pháp sử dụng các mảng màu phẳng và rộng khác nhau, đã làm cho hình tượng “thầy và trò” nổi lên lồ lộ trong không khí học tập, đồng thời cũng gợi cho người xem cái không gian tạo hình rất gần gũi với người Việt Nam. Bức tranh Buổi học chữ Nho xưa (sau được Bảo tàng Mỹ thuật đổi tên là Bình văn) gợi cho chúng ta liên tưởng đến bút pháp của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh thể hiện trong bức họa nổi tiếng Chơi ô ăn quan sáng tác năm 1932.

Ngoài những chân dung và tranh nêu trên, chúng tôi nghe nói họa sĩ còn vẽ thêm một số tác phẩm nữa, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được tông tích. Người đương thời ca ngợi họa sĩ Lê Văn Miến vẽ chân dung giống hệt như thật, tranh vẽ có thần sắc tươi đẹp. Với học vấn và tài năng nghệ thuật như thế, nếu họa sĩ muốn kiếm được nhiều tiền và leo lên cái thang danh vọng không phải là một chuyện khó. Họa sĩ không vẽ thuê. Họa sĩ vẽ vì lòng mến phục, vì ân nghĩa. Lúc họa sĩ dạy trường Quốc học, tên Công sứ đem vợ con đến nhà họa sĩ tha thiết mong được họa sĩ vẽ cho một bức chân dung -  không thể từ chối được, họa sĩ phải cầm cọ vẽ. Họa sĩ vẽ với ý định tỏ cho người Pháp biết người Việt Nam không đến nỗi bất tài, họa sĩ không nghĩ đến việc lấy tiền. Lúc vẽ xong, tên Công sứ rất thích thú và hỏi hết bao nhiêu tiền công để trả. Họa sĩ nhìn tên Công sứ kém văn hóa cười thầm trong bụng “Mi chẳng hiểu chi nghệ thuật cả. Vẽ cho mi uổng công. Nghệ thuật làm gì có giá!”. Cuối cùng họa sĩ bảo tên Công sứ tiền công ba mươi đồng. Ba mươi đồng là một cái gia tài nho nhỏ lúc ấy. Tên Công sứ sợ mất mặt phải bấm bụng móc tiền trả. Tiền vừa vô tay, họa sĩ gọi anh thợ mộc đóng khung vảo cho cả ba mươi đồng trước mặt tên Công sứ. Lúc ấy, tên Công sứ mới hiểu được giá trị của bức chân dung ấy là vô giá.

Trong thời gian họa sĩ làm Tế tửu Quốc tử giám (tương đương với chức vụ Viện trưởng Viện Đại học quốc gia ngày nay), vua bù nhìn Khải Định mời họa sĩ vào Nội vẽ chân dung cho ông ta. Đó là một dịp may hiếm có để cho họa sĩ thăng quan tiến chức rất tốt. Nhưng không ngờ, họa sĩ lại từ chối với lý do “tuổi già mắt kém không vẽ được!”. Khải Định than với người thân cận của mình rằng: Ông Tế Miến rất kiêu! Ông vẽ chân dung cho đức Thành Thái mà lại từ chối vẽ chân dung cho trẫm”. Có người không hiểu có ý trách họa sĩ, họa sĩ trả lời: “Ông Khải Định thích mấy người thợ tô son tô hồng chớ có thích chi nghệ thuật mà mình vẽ”. Sống trong hoàn cảnh rất khó khăn, họa sĩ Miến vẫn không để cho tiền tài và quyền thế làm vẩn đục cái nghề làm đẹp của mình.

User Avatar
by Editor
5.6k points
Vietbeauty Community
Netdepviet Wiki là nơi hỏi-đáp, chia sẻ kiến thức và mọi mặt cuộc sống.
Xem thêm trợ giúp. Hiện tại chỉ mở Wiki cho người dùng có tài khoản Facebook và Gmail đăng nhập

132 questions

120 answers

4 comments

69 users

Related questions

0 answers
0 votes
0 votes
2.6k views
1 answer
0 votes
0 votes
931 views
0 answers
0 votes
0 votes
2.3k views
0 answers
0 votes
0 votes
4.3k views
1 answer
2 votes
2 votes
8.6k views
Since © 2006 Netdepviet.org All rights reserved. Home | Privacy Policy | Pictures