Bạn đã len trâu lần nào chưa ? Len trâu là gì vậy ?
" Nước tràn bờ sông Hậu chảy qua. Nước trên trời tuôn xuống...
Sau hè nhà, nước dậy đùng đùng, sóng gợn từng lượn lớn, vỗ lát chát vào vách...
Thiếm Tư trầm ngâm suy nghĩ, nhìn đôi trâu đã mòn sức, be sườn lòi rõ rệt từng hàng như vòng cung. Để ở nhà trâu chết đói; giao cho thiên hạ len đi thì làm sao bảo đảm được? " (Sơn Nam, Mùa " len " trâu).
Len là phương ngữ miền Nam.
Mùa " len " trâu kể truyện mùa mưa, nước dâng cao, người ta phải dẫn trâu ra khỏi vùng ngập lụt, bơi qua sông, đến chỗ cao ráo có cỏ cho trâu ăn. Len (trâu) không có trong từ điển xưa của ta. Tự vị của Huỳnh Tịnh Của chỉ có từ Đầy len nghĩa là đầy ắp ắp. Len (chữ nôm) của Huỳnh Tịnh Của đồng nghĩa với Long (chữ Hán, bộ Phụ) nghĩa là tốt thịnh, đầy ùn, đầy tú ụ.
Từ điển Génibrel có từ Long (nôm) nghĩa là qua sông (Faire passer un fleuve à la nage par des buffles, des chevaux etc: cho trâu, ngựa bơi qua sông). Génibrel đưa ra vài câu làm thí dụ : Ăn trộm trâu long qua bên cù lao. Long trâu sang qua sông.
Chữ Long (long trâu) viết giống chữ Long (vua Gia Long).
Có thể suy ra rằng dưới triều nhà Nguyễn, vì kị huý chữ Long (Gia Long), người miền Nam đã đọc trại Long thành Leng. Chữ Leng viết sai chính tả thành Len. Vì vậy mà long trâu của Génibrel trở thành len trâu của Sơn Nam. Đẩy long được Huỳnh Tịnh Của gọi là đầy len.